BÁO CÁO CHỈ SỐ VỊ THẾ KINH TẾ CẤP TỈNH (PEPI) 2025
Ngày đăng 1 Th7 2025
BÁO CÁO CHỈ SỐ VỊ THẾ KINH TẾ CẤP TỈNH (PEPI) 2025

Chỉ số Vị thế Kinh tế cấp tỉnh (Provincial Economic Position Index – PEPI) là một bộ chỉ số độc lập, lần đầu tiên được Vietstats xây dựng tại Việt Nam nhằm đánh giá một cách hệ thống và tương đối vị thế kinh tế của từng tỉnh, thành phố trong cấu trúc phát triển quốc gia. PEPI được phát triển trong bối cảnh đặc biệt: sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1/7/2025, cả nước sẽ chỉ còn 34 tỉnh/thành thay vì 63 như trước. Sự thay đổi quy mô và địa giới hành chính này tạo ra nhu cầu cấp thiết về một hệ thống đánh giá mới, có khả năng phản ánh đúng vai trò, chức năng và tiềm năng phát triển của từng địa phương trong một không gian kinh tế đã được tổ chức lại.

Mục tiêu và ý nghĩa

PEPI không chỉ là một công cụ xếp hạng mà là nền tảng khoa học hỗ trợ hoạch định chính sách phát triển vùng, phân bổ đầu tư công có trọng tâm, thiết kế cơ chế liên kết và điều phối liên tỉnh. Bộ chỉ số này giúp:

  • Định vị lại từng địa phương theo vai trò thực chất trong chuỗi giá trị, mạng lưới kết nối và mức độ hội nhập;
  • Nhận diện khoảng cách phát triển giữa các vùng để kịp thời có giải pháp điều tiết và hỗ trợ đặc thù;
  • Cung cấp thông tin tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và giới chuyên môn trong đánh giá tiềm năng vùng lãnh thổ.

Cấu trúc chỉ số

Chỉ số PEPI được thiết kế theo ba trụ cột chính, bao gồm 8 tiêu chí định lượng, với tổng điểm tối đa là 70 điểm:

  • Năng lực kết nối kinh tế (35 điểm): đánh giá khả năng kết nối quốc tế, nội địa, hệ thống logistics và hạ tầng số.
  • Vị trí không gian phát triển (25 điểm): xem xét vị trí chiến lược của địa phương trong các hành lang kinh tế, vai trò trung tâm vùng hoặc điểm giao thoa kết nối.
  • Quy mô sản xuất – tiêu dùng (10 điểm): phản ánh tổng GRDP, năng lực tích tụ và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia.

Ngoài điểm tuyệt đối, PEPI còn sử dụng phương pháp chuẩn hóa Z-score để đo mức độ lệch so với trung bình toàn quốc, từ đó phân loại tương đối giữa các địa phương có quy mô khác nhau nhưng có vai trò khác biệt.

Các trụ cột và tiêu chí đánh giá PEPI Các trụ cột và tiêu chí đánh giá PEPI

Một số kết quả nổi bật năm 2025

Kết quả phân tích PEPI 2025 cho thấy:

  • TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai tiếp tục giữ vị thế trung tâm kinh tế quốc gia với điểm số tuyệt đối cao, khả năng kết nối toàn diện và năng lực hội nhập vượt trội.
  • Một số địa phương như Bắc Ninh, Tây Ninh, Khánh Hòa, Lâm Đồng đang nổi lên như những cực trung chuyển hoặc trung tâm vùng tiềm năng nếu được đầu tư đúng định hướng.
  • Nhiều tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Cao Bằng đang ở nhóm thấp nhất, phản ánh sự hạn chế về hạ tầng, kết nối và quy mô kinh tế, từ đó đặt ra nhu cầu cấp bách về cơ chế hỗ trợ đặc thù và đầu tư công có trọng điểm.
Các trụ cột và tiêu chí đánh giá PEPI Điểm và xếp hạng PEPI của 34 tỉnh thành mới
Các trụ cột và tiêu chí đánh giá PEPI Điểm và xếp hạng PEPI của 34 tỉnh thành mới
Các trụ cột và tiêu chí đánh giá PEPI Tổng điểm PEPI 2025 của các địa phương
Các trụ cột và tiêu chí đánh giá PEPI Điểm Z-score chỉ số PEPI của các địa phương

Một số kết luận

PEPI cung cấp một công cụ đo lường toàn diện và hiện đại để đánh giá năng lực phát triển không gian của các địa phương Việt Nam đặt trong bối cảnh sáp nhập các tỉnh, tái cấu trúc địa giới hành chính và chiến lược vùng. Việc kết hợp hai phương pháp đo điểm tuyệt đối và Z-score không chỉ cho thấy khả năng đạt được chỉ tiêu của mỗi địa phương, mà còn cho phép nhận diện mức độ lệch khỏi chuẩn hệ thống theo hướng vượt trội hoặc tụt hậu.

Kết quả phân tích PEPI năm 2025 cho thấy sự phân hóa rất rõ rệt giữa các địa phương trong hệ thống kinh tế quốc gia. Bên cạnh một số cực tăng trưởng vượt trội, phần lớn các địa phương còn đang ở mức trung bình hoặc thấp, nhiều nơi có dấu hiệu bị lệch khỏi mạng lưới phát triển chính. Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một thời kỳ tái cấu trúc chưa từng có về không gian hành chính và phát triển vùng, việc nâng cao vị thế kinh tế các địa phương cần được tiếp cận một cách hệ thống, gắn với cải cách thể chế, quy hoạch, đầu tư và phối hợp liên ngành – liên tỉnh.

Z-score đặc biệt hữu ích trong việc phản ánh tính “phi tuyến” của phát triển kinh tế, nơi một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh vượt xa chuẩn hệ thống, trở thành các cực tăng trưởng đặc biệt mạnh, trong khi phần lớn các địa phương còn lại bị “nén đáy”, sát quanh trung bình. Điều này không thể hiện rõ nếu chỉ dùng điểm tuyệt đối.

Bên cạnh đó, PEPI giúp phát hiện những địa phương có vai trò chiến lược tiềm ẩn nhưng chưa được đánh giá đúng mức, như Phú Thọ, Tây Ninh hay Thái Nguyên nơi có chức năng kết nối, trung chuyển hoặc phụ trợ vùng rõ nét. Đồng thời, PEPI cũng cho thấy nguy cơ tụt lại hệ thống ở những vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên hoặc một số tỉnh ven biển đồng bằng, nếu thiếu cơ chế đặc biệt.

Ý nghĩa thực tiễn

PEPI 2025 có thể được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực:

  • Hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ra quyết định về quy hoạch phát triển vùng, phân bổ ngân sách đầu tư công trung hạn và thiết kế thể chế điều phối vùng;
  • Giúp địa phương định vị lại chiến lược phát triển kinh tế – xã hội sau khi mở rộng địa giới;
  • Là tài liệu tham chiếu quan trọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc lựa chọn địa bàn chiến lược;
  • Góp phần định hình cách tiếp cận phát triển đa trung tâm, liên kết hiệu quả và bao trùm, thay cho mô hình dàn hàng ngang hay cào bằng theo hành chính truyền thống.

Chỉ số PEPI 2025 không chỉ mang ý nghĩa học thuật hay kỹ thuật mà còn là công cụ tư duy lại toàn diện chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ hậu cải cách thể chế hành chính. Với vai trò này, PEPI kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng đồng hành cùng các cấp chính quyền và cộng đồng chính sách trong hành trình xây dựng một Việt Nam phát triển cân bằng, kết nối và bền vững hơn.