Mới nhất
Báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2025: Hướng đi nào giữa ngã ba đường? phân tích bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang đặt Việt Nam trước một bước ngoặt lớn, với những cơ hội và rủi ro đan xen. Năm 2025 được xem là năm bản lề, mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho giai đoạn 2026–2030, nhưng cũng là thời điểm kinh tế Việt Nam đối diện với những thử thách chưa từng có.
Báo cáo Chỉ số Vị thế Kinh tế cấp tỉnh (PEPI) 2025 do Vietstats phối hợp với các chuyên gia kinh tế độc lập xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong việc đánh giá lại vai trò, năng lực và mức độ hội nhập kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam sau quá trình cải cách hành chính quy mô lớn với việc sáp nhập đơn vị cấp tỉnh chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Tài liệu này do Vietstats – một nền tảng dữ liệu kinh tế mở - soạn nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về một số chỉ tiêu cơ bản của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh. Thông qua việc tổng hợp và phân tích các dữ liệu như diện tích tự nhiên, dân số, mật độ dân cư, GRDP bình quân đầu người, mật độ kinh tế, thu ngân sách và số lượng đơn vị hành chính, tài liệu giúp làm rõ đặc điểm cấu trúc không gian, quy mô kinh tế – xã hội và năng lực quản trị cơ bản của các tỉnh mới. Đây là cơ sở tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quy hoạch và các tổ chức nghiên cứu trong việc xây dựng chiến lược phát triển vùng, điều tiết đầu tư công và phân bổ nguồn lực sau sáp nhập.
Đề xuất của VinSpeed về việc đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý trong xu hướng xã hội hóa hạ tầng tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân nội địa đưa ra đề xuất đầu tư toàn tuyến một công trình hạ tầng quốc gia có quy mô đặc biệt lớn, kỹ thuật phức tạp và thời gian vận hành kéo dài đến gần một thế kỷ. Về mặt ý nghĩa, đề xuất này cho thấy khu vực tư nhân đã sẵn sàng bước vào vai trò chủ lực trong các lĩnh vực trước đây vốn thuộc độc quyền của Nhà nước.Nếu được thực hiện một cách bài bản và kiểm soát tốt, đề xuất của VinSpeed có thể mang lại nhiều lợi ích: giảm áp lực đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thu hút nguồn lực xã hội, thúc đẩy cộng nghiệp trong nước và tạo cú hích cải cách thể chế cho mô hình hợp tác công – tư (Private – Public Partnership). Ngoài ra, việc áp dụng mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông (Transit-Oriented Development – TOD) cũng mở ra tiềm năng lớn trong việc khai thác giá trị gia tăng từ đất đai quanh các ga tàu, hỗ trợ phát triển đô thị thông minh và bền vững.
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, thể hiện tư duy đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc ra đời Nghị quyết xuất phát từ nhu cầu cấp thiết nhằm tháo gỡ các rào cản tồn tại lâu nay, giúp kinh tế tư nhân vượt qua khó khăn, phát huy mạnh mẽ tiềm năng và trở thành động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Điểm đột phá rõ nét trong Nghị quyết 68 là lần đầu tiên kinh tế tư nhân được chính thức xác định ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển, xem kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất" thay vì chỉ đóng vai trò bổ trợ như trước đây. Tư duy này được thể hiện rõ qua cam kết mạnh mẽ về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump (2017-2021), Việt Nam nổi lên như một trong những nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, chính sách bảo hộ thương mại của Trump trong nhiệm kỳ thứ hai này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt là nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu hoặc các biện pháp trừng phạt thương mại. Dưới đây là phân tích của Vietstats về những tác động của các chính sách này đối với Việt Nam.